image banner
Lịch sử

Địa danh Tân Phú có nguồn gốc từ thôn Tân Phú Thượng - một đơn vị hành chính xưa của huyện Đức Hòa. Tân Phú Thượng được Trịnh Hoài Đức ghi nhận đầu tiên trong quyển Gia Định thành thông chí (viết khoảng năm 1820-1825) với tư cách là một thôn thuộc tổng Tân Long, huyện Tân Bình, phủ Gia Định.

Từ năm 1841, thôn Tân Phú Thượng thuộc tổng Cầu An Thượng, huyện Bình Long, phủ Tây Ninh. Năm 1867, sau khi chiếm xong 6 tỉnh Nam Kỳ, thực dân Pháp phân chia lại địa giới hành chính. Theo cách phân chia của chính quyền thuộc địa, Tân Phú Thượng là một làng thuộc tổng Cầu An Thượng, hạt tham biện Quang Hóa.

Đầu năm 1900, thực dân Pháp bỏ các hạt tham biện, chia Nam Kỳ thành 23 tỉnh. Lúc bấy giờ, Tân Phú Thượng là là 1 trong số 6 làng thuộc tổng Cầu An Thượng, quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn. Lúc bấy giờ, làng Tân Phú Thượng có 10 ấp là: Tân Quy Thượng, Tân Quy Hạ, Bình Thủy, Gò Sao, ấp Chánh, Bàu Trai Hạ, Bàu Trai Thượng, Sò Đo, Giồng Voi và Tân Hội. Tháng 12/1945, thực dân Pháp từ Hóc Môn đánh chiếm quận lỵ Đức Hòa và lập căn cứ tại chợ Bàu Trai, đóng đồn tại chợ Rạch Nhum, ngăn chặn giao thông liên lạc giữa vùng sông và vùng giồng của làng Tân Phú Thượng. Để thuận tiện cho việc lãnh đạo kháng chiến, chính quyền địa phương đã đề xuất cấp trên chia Tân Phú Thượng thành 2 làng. Lấy chiều dài Rạch Nhum từ vàm tới ngọn nối với lộ đất chạy vào ngã tư Sò Đo làm ranh giời 2 làng. Phần đất từ ranh giới này lên phía bắc là làng Tân Phú Thượng. Từ ranh giới này xuống phía nam là làng Tân Phú Hạ. Từ năm 1947, cấp trên quyết định thay đổi tên gọi đơn vị hành chánh từ quận thành huyện, từ làng thành xã. Lúc bấy giờ, làng Tân Phú Thượng và Tân Phú Hạ được đổi thành xã  Tân Phú Thượng và Tân Phú Hạ, thuộc huyện Đức Hòa.

Sau Hiệp định Geneve (20/7/1054), huyện ủy Đức Hòa quyết định sáp nhập xã Tân Phú Thượng và Tân Phú Hạ, lấy tên chung là xã Tân Phú.

Đầu năm 1960, trong phong trào Đồng khởi, cấp trên quyết định cắt 2 ấp phía đông tỉnh lộ 10 thuộc xã Tân Phú nhập về các xã lân cận. Trong đó, ấp Tân Hội được cắt về xã Đức Lập, ấp Giồng Voi được cắt về xã Tân Mỹ. Lúc bấy giờ, xã Tân Phú còn lại 8 ấp vùng sông và vùng giồng, bao gồm cả chợ Bàu Trai.

Tháng 10/1963, để ngăn chặn hành lang chiến lược của ta và tăng cường phòng thủ phía tây Sài Gòn, Ngụy quyền lại cắt hai quận Đức Hòa và Đức Huệ của tỉnh Long An nhập với quận Trảng Bàng của tỉnh Tây Ninh và quận Củ Chi của tỉnh Gia Định để thành lập tỉnh Hậu Nghĩa, tỉnh lỵ đóng tại chợ Bàu Trai. Để thuận tiện trong việc lãnh đạo kháng chiến, Tỉnh ủy Long An quyết định cắt 1 phần đất của ấp Bàu Trai và ấp So Đo thuộc xã Tân Phú để thành lập thị xã Hậu Nghĩa. Từ đó đến ngày miền Nam giải phóng, xã Tân Phú thuộc địa phận huyện Đức Hòa, tỉnh Hậu Nghĩa. Tuy nhiên, về phía cách mạng, xã Tân Phú vẫn thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

            Theo  nghị quyết số 19/NQ ngày 20/12/1975 của Bộ Chính trị về việc điều chỉnh việc hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam, vào tháng 2/1976, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra nghị định về việc giải thể khu, hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam. Theo nghị định này, tỉnh Long An được sát với nhập tỉnh Kiến Tường, lấy tên là tỉnh Long An. Lúc bấy giờ, Tân Phú là một trong  11 xã  thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Phần đất thuộc ấp Bàu Trai và ấp So Đo trước đây được tách ra để thành lập thị xã nay trở thành thị trấn huyện lỵ của huyện Đức Hòa. Hiện tại, Tân Phú là 1 trong 20 xã, thị trấn của huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

 Tiến trình khẩn hoang, lập làng:

Ngót ba trăm năm nay, các thế hệ cư dân Tân Phú đã đổ biết bao mồ hôi, máu và nước mắt để khai hoang, mở đất, xây dựng nên những xóm làng trù phú. Sự nghiệp vĩ đại ấy cần được các thế hệ hiện tại và tương lai kế thừa một cách xứng đáng. Vì vậy, mặc dù sử liệu về giai đoạn này còn ít ỏi nhưng không thể không nhắc đến tiến trình khẩn hoang lập làng của ông cha ta với tinh thần trân trọng và tri ân.

Đất Nam Bộ ngày nay, trước khi người Việt đến là một vùng hoang vu, thưa thớt dấu chân người. Theo sách Gia Định Thành  Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, từ năm thế kỷ XVI, đã có những đoàn lưu dân người Việt đầu tiên vào khai phá vùng đất này. Họ là những người nông dân bị bần cùng hóa bởi những cuộc chiến tranh liên miên giữa các tập đoàn phong kiến Lê-Mác, Trịnh-Nguyễn, hoặc là những người “trốn xâu, lậu thuế”, mang án tù đày,  bị triều đình truy nã nên mới tìm đến vùng đất phương nam. Tùy theo điều kiện làm ăn  mà những lưu dân này cư trú rải rác khắp nơi, chưa lập thành thôn xóm. Khoảng một thế kỷ sau, số lưu dân vào nam ngày càng đông hơn. Vì thế, năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu mới sai Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược miền Nam, lập nên phủ Gia Định, chia đặt các thôn, phường, lân, ấp. Từ lúc ấy, ở vùng đất mới phía Nam mới có chính quyền của các chúa Nguyễn. Để đẩy mạnh việc  lập làng, Nguyễn Hữu Cảnh còn chiêu mộ dân lưu tán ở châu Bố Chính (vùng Quảng Trị, Quảng Bình ngày nay) vào khai khẩn những vùng đất đai còn hoang hóa.

Lúc bấy giờ, vùng đất Tân Phú ngày nay, thuộc tổng Tân Long, huyện Tân Bình, phủ Gia Định. Vùng này chắc hẳn  đã có những lưu dân từ người Việt đến khai phá. Tuy nhiên, đây chỉ là những nhóm di dân nhỏ lẻ, tự phát. Bắt đầu từ giữa thế kỷ XVIII, lưu dân vào Nam ngày càng nhiều và có tổ chức.  Dòng lưu dân này chủ yếu theo 2 đường: bằng đường thủy, lưu dùng ghe bầu dọc theo bờ biển vào cửa Soài Rạp, theo sông Vàm Cỏ để đến Tân Phú. Về phía đường bộ, lưu dân đến vùng giồng xã Tân Phú từ phía Tây Ninh, Củ Chi, Hóc Môn. Theo kết quả của cuộc điều tra điền dã về nguồn gốc của các dòng họ cư trú lâu đời ở Tân Phú ta thấy rằng đại đa số các dòng họ này đều xuất phát từ khu vực Quảng Bình đến Bình Định từ cuối thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX. Vùng đất Tân Phú thưở ấy còn hoang vu, lắm hùm beo thú dữ. Những lưu dân đầu tiên đến đây đã khai khẩn những mảnh ruộng nhỏ gần sông rạch rồi dần dần mở rộng ra như vết dầu loang. Bên cạnh việc làm ruộng, họ còn đánh bắt thủy sản,  săn bắt thú rừng và khai thác lâm sản những lúc nông nhàn. Với tinh thần cần cù, chịu khó, năng động, lưu  dân đã ứng dụng kinh nghiệm sản xuất tích lũy được ở vùng đất cũ (miền Trung, miền Bắc) lên  vùng đất mới và sáng tạo ra phương thức lao động, sản xuất, sinh hoạt phù hợp để tồn tại và phát triển. Dần dần, điều kiện sinh sống ngày càng được cải thiện, lưu dân đến ngày mỗi đông, lập thành chòm xóm, đất đai khai phá ngày một nhiều, rừng rậm ngày một thu hẹp. Các nhóm cư dân đầu tiên này cư trú thành từng nhóm theo quan hệ huyết thống và phát triển thành những vùng cư trú theo từng dòng họ mà người ta thường gọi là “kiếng họ”. Trải qua thời gian, khi đã đủ số dân đinh, thì một thôn mới được thành lập. Những dòng họ tiên phong đến khai hoang, lập ấp đương nhiên được xem là tiền hiền, hậu hiền của làng và được thờ trong đình.

Năm 1775, chúa Định Vương bị Tây Sơn đánh đuổi, phải chạy vào đất Gia Định. Từ đó đến năm 1785, quân Tây Sơn nhiều lần vào Gia Định  để đánh bại quân đội của Chúa Nguyễn. Vì thế, chiến sự xảy ra liên miên và một số quân sĩ Tây Sơn và các toán quân rã ngũ của Chúa Nguyễn đã trở thành lực lượng khai hoang, lập làng quan trọng trong giai đoạn này. Năm 1788, sau khi chiếm lại Gia Định từ tay Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã đề ra những chính sách nhằm phát triển nông nghiệp ở phía Nam vốn bị đình đốn trong cuộc chiến tranh kéo dài hàng chục năm. Từ đây, quá trình khai phá đất đai ở Gia Định  phát triển mạnh. Trong bối cảnh ấy, đất đai ở Tân Phú được khai phá ngày càng nhiều. Công cuộc xây dựng quê hương mới của những người lưu dân đang trên đà tiến triển thì bị gián đoạn bởi tiếng súng xâm lăng của giặc Pháp. Từ khi Nam kỳ trở thành thuộc địa của thực dân Pháp (1867), trong  xã hội nảy sinh nhiều biến động to lớn. Nông dân phải bỏ ruộng hoang do hậu quả của cuộc chiến tranh. Trong xã hội xuất hiện tầng lớp địa chủ mới thân Pháp, dựa vào Pháp để cướp đoạt  ruộng đất của nông dân. Cùng với quá trình khai thác ruộng đất của thực dân Pháp, tầng lớp địa chủ mới này ngày càng giàu thêm. Trong khi đó, số nông dân mất ruộng đất, trở thành tá điền ngày một nhiều. Cho đến đầu thế kỷ XX, nông thôn Nam Kỳ nói chung và Tân Phú nói riêng đã bị phân hóa sâu sắc. Ruộng đất tập trung vào tay một số ít địa chủ, cường hào. Đa số nông dân mất đất phải chấp nhận làm kiếp tá điền, đổ mồ hôi, nước mắt để sống lây lất qua ngày. Một bộ phận nông dân phải rời làng đi kiếm sống bằng nghề bạn ghe, bốc vác, làm thuê, làm mướn. Thành quả của công cuộc khai hoang mở đất mà bao thế hệ cư dân Tân Phú chung tay, góp sức tạo nên đã bị tước đoạt bởi thực dân, phong kiến. Tuy nhiên, những kỳ tích mà họ tạo ra vẫn được hậu thế mãi mãi tri ân và trân trọng.

 image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Thư viện ảnh