image banner
Truyền thống văn hóa

Tôn giáo, tín ngưỡng:

Tín ngưỡng và tôn giáo là một bộ phận quan trọng trong đời sống tinh thần của con người. Vì thế, khi đề cập đến tiến trình lịch sử-văn hóa của một vùng đất, không thể không nhắc đến tín ngưỡng và tôn giáo. ỞTân Phú , tín ngưỡng dân gian chủ yếu là tín ngưỡng của người Việt-thành phần chiếm tuyệt đại đa số trong cộng đồng dân cư nơi đây. Bộ phận quan trọng nhất của hệ thống tín ngưỡng ấy là việc thờ cúng tổ tiên, và việc thực hiện các tín ngưỡng trong nông nghiệp.

Kế thừa truyền thống của một dân tộc chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng nho giáo, nhân dân Tân Phú rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên và coi đây là một chuẩn mực của đạo đức xã hội. Bởi lẽ ngoài việc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ lúc sinh tiền, chữ hiếu được thể hiện qua việc thờ cúng, kỵ giỗ hằng năm khi ông bà, cha mẹ đã khuất núi. Chính vì vậy mà bất cứ gia đình nào ở Tân Phú  cũng có bàn thờ tổ tiên và nó luôn luôn được đặt ở vị trí trang trọng. Hằng năm, trong việc giỗ, tết...cư dân Tân Phú tổ chức cúng tế tổ tiên hết sức trọng thể, thể hiện tấm lòng hiếu thảo, biết ơn của mình đối với những công lao to lớn của các bậc tiền nhân. Trong những dịp này, bà con thân tộc có dịp sum họp, cùng thắt chặt thêm mối liên hệ huyết thống của cộng đồng và tình làng nghĩa xóm. Việc thờ cúng, tưởng nhớ công đức của tổ tiên đã khuất trong ngày giỗ, ngày tết đã trở thành một nét đẹp văn hóa của nhân dân Tân Phú nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung, cần được kế thừa và phát huy.

Ngay từ thời khẩn hoang và mãi đến ngày nay, làm ruộng vẫn là ngành sản xuất chính ở Tân Phú nên tín ngưỡng nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt tinh thần  của cư dân nơi đây. Buổi đầu khai hoang lập ấp, khi một làng xóm được hình thành thì việc đầu tiên của lưu dân là xây dựng đình làng để làm cơ sở thực hiện lễ nghi nông nghiệp. Đình làng là nơi thờ vị thần của làng (Thành Hoàng bổn cảnh) và các vị những người có công với cộng đồng như: Tiền hiền, Hậu hiền, Tiên sư....

Hiện tại, trên địa bàn xã Tân Phú có 1 ngôi đình được xây dựng từ thế kỷ XIX. Hằng năm, nhân dân tổ chức cúng cúng kỳ yên ngày 16 thang giêng âm lịch.

Trên con đường mưu sinh, lập nghiệp, bên cạnh mái đình, ngôi chùa là một yếu tố không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Nam Bộ nói chung và Tân Phú nói riêng. Đạo Phật vốn đã sống trong lòng của người dân Tân Phú  trong buổi đầu khai phá với vai trò là niềm an ủi về tinh thần giúp cho họ vượt qua những bất trắc, khó khăn ở vùng đất mới. Khi cuộc sống đã tương đối ổn định, ngôi chùa cũng được mọi người góp công xây dựng và trở thành một trong những trung tâm sinh hoạt cộng đồng của làng. Ngôi chùa đầu tiên có mặt trên đất Tân Phú là chùa Thầy Diệu (Tân Sơn tự)

Truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân Tân Phú kể từ khi thực dân Pháp xâm lược đến khi có Đảng:

Sự kiện thực dân Pháp đánh chiếm thành Gia Định năm 1859 và xâm chiếm cả lục tỉnh Nam Kỳ đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử xã Tân Phú. Sau gần hai thế kỷ cần cù lao động xây dựng quê hương, lần đầu tiên, nhân dân Tân Phú phải đối mặt với một kẻ thù xâm lược hùng mạnh đến từ một phương trời xa lạ. Trước hiểm họa ngoại xâm, nhân dân nơi đây đã cầm vũ khí đứng lên kháng chiến dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu yêu nước chiến đấu bảo vệ ngọn rau tấc đất mà cha ông đã dày công khai phá. Những cuộc khởi nghĩa liên tiềp nổ ra đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến vùng đất Đức Hòa nói chung và Tần Phú nói riêng. Một số người đã gia nhập hàng ngũ nghĩa quân đánh Pháp đa số những người còn lại đều ủng hộ, giúp đỡ nghĩa quân. Năm 1866, giặc Pháp tấn công vào căn cứ nghĩa quân ở Đồng Tháp Mười. Do thiếu vũ khí nên căn cứ bị vỡ, nghĩa quân phải phân tán đi nhiều nơi. Một bộ phận nghĩa quân đã về khu vực ven sông Vàm Cỏ Đông thuộc tổng Cầu An Thượng ( trong đó có xã Tân Phú ngày nay) để tiếp tục đánh Pháp dưới sự chỉ huy của ông Nguyễn Văn Tài. Từ khu vực này, nghĩa quân đã bung ra hoạt động mạnh ở vùng Trảng Bàng, Thuận Kiều, gây cho Pháp nhiều thiệt hại. Sau cuộc càn này, nghĩa quân ở khu vực ven sông Vàm Cỏ Đông buộc phải phân tán nhỏ hơn nữa và hoạt động ngày một yếu đi..

Dẹp xong các cuộc khởi nghĩa vũ trang, thực dân Pháp áp đặt bộ máy chính quyền, đẩy mạnh công cuộc khai thác kinh tế và thẳng tay vơ vét bóc lột nhân dân.Chúng xây dựng bộ máy tay sai người Việt, mở rộng cơ sở hạ tầng để vơ vét tài nguyên của nước ta đưa về Pháp, đồng thời cướp đoạt ruộng đất của nông dân để mở đồn điền và xây dựng một số nhà máy, xí nghiệp thuộc các ngành không cạnh tranh với nền công nghiệp của chính quốc. Năm 1921, Pháp xây dựng nhà máy đường Hiệp Hòa và cướp đoạt hàng ngàn ha đất của nông dân để lập đồn điền trồng mía cung cấp nguyên liệu cho nhà máy. Bên cạnh đó, chúng cho đào kinh, đắp lộ để phục vụ cho việc khai thác tài nguyên. Trong thời gian này, một số đường sá và kinh đào lần lượt được khai mở trên địa bàn Đức Hòa. Hạ tầng cơ sở có phát triển nhưng dưới ách thống trị hà khắc của thực dân Pháp, cũng như những nơi khác ở  Nam Kỳ, đời sống kinh tế xã hội ở Tân Phú phát sinh nhiều mâu thuẫn mới. Một số tên tay sai dựa vào thế giặc cướp bóc ruộng đất của nông dân, đẩy một bộ phận lớn dân nghèo vào chỗ mất ruộng, không còn sinh kế. Mâu thuẫn xã hội ngày càng trở nên gay gắt trong đời sống kinh tế-xã hội ở Tân Phú.

Bởi thế, cho dù không có điều kiện để cầm vũ khí đứng lên chống lại sự cai trị hà khắc của chế độ thực dân, nhưng trong thâm tâm của mình, nhân dân Tân Phú luôn tồn tại ý thức phản kháng thực dân Pháp và tai sai. Ý thức phản kháng ấy đã được cụ thể hóa bằng hành động qua sự tham gia của nhân dân Tân Phú vào một số tổ chức chống Pháp đầu thế kỷ XX như Thiên Địa hội, cuộc bạo động Phan Xích Long những năm trước khi thế chiến thứ nhất kết thúc và hội kín Nguyễn An Ninh.

Thiên Địa Hội vốn là một tổ chức của người Trung Hoa được hình thành sau khi nhà Minh bị nhà Thanh lật đổ vào năm 1644. Tôn chỉ của tổ chức này là “Phản Thanh phục Minh” nhằm mục đích đánh đổ ách đô hộ của tộc Mãn Châu trên đất trung nguyên. Thiên địa hội được truyền bá sang Việt Nam bởi những Hoa kiều và được những người dân lưu tán, dân nghèo thành thị hưởng ứng để giải tỏa phần nào về mặt tâm lý trước cuộc sống cơ cực dưới ách thống trị cuả thực dân Pháp và tìm  ở đó sự đồng cảm về  tinh thần yêu nước mà họ không có điều kiện bộc lộ trong hoàn cảnh bị kềm chế và khủng bố. Tổ chức Thiên Địa Hội ở Nam Kỳ do ông Nguyễn Hữu Trí thành lập với tôn chỉ là “ Phản Pháp phục Nam”,  nhưng tinh thần yêu nước này chịu ảnh hưởng rất sâu sắc của hệ tư tưởng và đạo đức phong kiến pha màu thần bí. Đầu  thế kỷ XX, Thiên Địa Hội có mặt ở một số tỉnh Nam Kỳ với tổ chức chặt chẽ từ trên xuống dưới. Thiên địa hội chủ trương  luyện tập võ nghệ, đánh quyền, múa roi thật giỏi để chờ ngày khởi nghĩa đánh đuổi thực dân Pháp. Vì thế, ai muốn trở thành hội viên đầu phải trải qua 3 lần thi đấu trắc nghiệm tài năng. Ai vượt qua 3 lần thử thách ấy mới trở thành hội viên chính thức của Thiên địa hội. Trong buổi lễ chính thức gia nhập hội, hội viên mới phải trích huyết ăn thề, hứa hẹn một lòng một dạ sắt son, tuyệt đối trung thành với tổ quốc, suốt đời thủy chung với Hội. Có một số người vì lòng nhiệt huyết, hăng hái đã tự xăm lên bắp tay 3 chữ “Thiên địa hội” để bày tỏ quyết tâm của mình. Đến lúc cần giữ bí mật cho tổ chức, họ đã sẵn sàng xóa đi những chữ xăm này, mặc dù phải chịu đau đớn về thể xác.

Lúc bấy giờ, ở làng Tân Phú Thượng có ông La Văn Nhà (gốc ở Thủ Dầu Một đến khai phá vùng Rạch Nhum) là người đầu tiên phát triển tổ chức Thiên địa Hội.

Ông đã tuyên truyền khơi dậy tinh thần yêu nước của nhân dân, vạch rõ tội ác của bọn xâm lược, vận động nhân dân tham gia Thiên địa hội để đánh đổ chính quyền thuộc địa, giành độc lập dân tộc. Là tổ chức có tư tưởng cách mạng nhưng Thiên địa hội vẫn còn mang nặng tư tưởng thần bí, vô vi nhưng vẫn được số đông quần chúng ủng hộ nhiệt tình. Đó là nhờ Hội có tư tưởng chống Pháp, chống áp bức, bóc lột, phù hợp với nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Tuy chưa có đường lối chính trị rõ ràng nhưng Thiên địa hội đã khơi dậy được tinh thần yêu nước của nhân dân, đoàn kết họ thành một khối để đấu tranh chống cường quyền. Vì thế, nhiều người ở Tân Phú đã theo ông La Văn Nhà tham gia vào tổ chức Thiên địa hội. Về sau, thực dân Pháp đánh hơi được hoạt động của tổ chức Thiên địa hội ở Tân Phú nên tiến hành bố ráp, lùng sục hòng bắt được thủ lĩnh La Văn Nhà. Nhờ sự chở che, đùm bọc của nhân dân, ông La Văn Nhà đã thoát hiểm nhưng phải đổi từ Họ La sang họ Huỳnh để tránh tai mắt của thực dân Pháp. Đến nay, con cháu nhiều đời của ông La Văn Nhà vẫn giữ họ Huỳnh.

Đến khoảng năm 1910, khi Phan Xích Long đến Đức Hòa  tuyên truyền về công cuộc đánh Tây giành lại đất nước thì tổ chức Thiên địa hội ở Tân Phú chuyển sang ủng hộ Phan Xích Long.

 Lợi dụng tâm lý tôn quân và căm ghét “ tân trào” của một bộ phận nhân dân Nam Bộ lúc bấy giờ, Phan Xích Long tự xưng mình là người có “ chân mạng đế vương” ( Xích Long có nghĩa là rồng đỏ, theo quan niệm ngũ hành, màu đỏ ứng với phương Nam) và nhanh chóng được  khá đông quần chúng nhân dân tin theo. Tại Tân Phú, những người thuộc tổ chức Thiên Địa hội tích cực luyện tâp võ nghệ,  rèn đúc vũ khí, quyên góp tiền bạc để ủng hộ Phan Xích Long, chuẩn bị khởi nghĩa. Trong hai cuộc bạo động của  Phan Xích Long năm 1913 và 1916, có một số người thuộc làng Tân Phú tham gia. Nói chung, những hoạt động yêu nước, chống Pháp nói trên tuy cuối cùng cũng bị thất bại nhưng đã cho thấy sự bất mãn cao độ của nhân dân Tân Phú đối với chính quyền thuộc địa và bọn tay sai thân Pháp.

Khoảng 1923, Nguyễn An Ninh về nước, sau thời gian du học ở Pháp. Mặc dù đỗ cử nhân Luật, nhưng là một người yêu nước, Nguiyễn An Ninh đã từ chối  làm việc cho Pháp. Ông  ý thức sâu sắc về nổi khổ nhục của người mất nước nên  từ bỏ lối sống trưởng giả của một nhà trí thức,  lăn lộn gần gũi với nhân dân lao động qua các hình thức: làm thợ hớt tóc, bán dầu cù là... để đi khắp nơi để tuyên truyền cổ động cho cuộc đấu tranh chống Pháp. Ông bắt đầu hoạt động chống Pháp bằng các cuộc diễn thuyết đả kích chính sách của nhà cầm quyền thực dân, nhất là chính sách ngu dân. Ông lập ra Hội Khuyến học, ra tờ báo Tiếng chuông rè có tư tưởng chống Pháp. Hoạt động yêu nước của ông có tên là hội kín Nguyễn An Ninh. Hoạt động của tổ chức hội kín Nguyễn An Ninh  tuy chỉ bó hẹp trong giới trung lưu, nhân sĩ, thân hào, nhưng đã có ảnh hưởng khá lớn, gieo vào lòng quần chúng tinh thần yêu nước và ý chí đánh đuổi xâm lăng để giành độc lập dân tộc.

Những hoạt động yêu nước có tính tự phát của nhân dân Tân Phú đầu thế kỷ XX như đã kể trên lần lượt đều bị thất bại. Nguyên nhân sâu xa là những hoạt động này không có đường lối đúng đắn và không có một chính đảng của giai cấp tiên tiến lãnh đạo. Nhưng những hoạt động này đã cho hậu thế những bài học kinh nghiệm quý giá và tấm gương yêu nước, thương nòi của nhân dân Tân Phú trong hoàn cảnh bị đè nén dưới ách thống trị của ngoại bang.

 image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Thư viện ảnh